Báo Tây Ninh dẫn thông tin từ Sở GTVT cho biết, ngày 4/11 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, định hướng quy hoạch cảng hàng không Tây Ninh trên địa bàn huyện Dương Minh Châu với công suất dự báo đến năm 2030 khoảng 1 triệu hành khách/năm.
Xuất phát từ nhu cầu thật của địa phương
Tại buổi tọa đàm “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không” do Bộ GTVT tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định, việc đề xuất sân bay của địa phương không phải chạy theo địa phương khác, mà xuất phát từ nhu cầu thực sự.
"Tây Ninh là tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm về xây dựng cảng hàng không. Tuy nhiên, chúng tôi không phải thấy mọi người có sân bay là mình cũng đăng ký làm sân bay. Quan điểm của chúng tôi là vì sự phát triển, lợi ích chung của quốc gia chứ không phải chỉ cục bộ địa phương, không phải địa phương khác có gì mình phải có nấy.
Đối với Tây Ninh, chúng tôi thấy rằng địa phương đang hội đủ các yếu tố cần và đủ để xây dựng sân bay. Địa phương vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển, đặc biệt về du lịch. Khu du lịch Núi Bà từ đầu năm đã thu hút 4,2 triệu lượt khách, dự kiến đến cuối năm là 5 triệu lượt khách. Nếu đầu tư sân bay bài bản đến năm 2030, thì lượt khách đến với Tây Ninh có thể tăng lên 7 - 9 triệu lượt/năm.
Bên cạnh đó, với vị trí địa lý của Tây Ninh, việc xây dựng sân bay cũng sẽ cải thiện đáng kể khả năng liên kết vùng và kết nối đối ngoại với Campuchia. Ở góc độ xa và rộng hơn, xây sân bay ở Tây Ninh cũng góp phần đảm bảo an ninh và quốc phòng.
Và điều quan trọng nhất, chúng tôi đang có những nguồn vốn xã hội hoá có thể huy động. Còn nếu xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công, chắc chắn chúng tôi sẽ không đề nghị xây sân bay", Chủ tịch Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ.
Đề xuất để địa phương tự quyết xây sân bay
Cũng theo ông Thanh, việc quy hoạch xây dựng sân bay trên cả nước nên dần hướng đến sự phân cấp.
"Theo quy luật phát triển, các tiện ích về cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không sẽ phải ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu kinh tế, thu hẹp khoảng cách không gian thời gian.
Đối với quy hoạch quốc gia, cá nhân tôi thấy nên nghiên cứu theo góc độ quy hoạch mở, lựa chọn đánh giá ở tầm quốc gia, ở khu vực nào có thể có những sân bay mang tầm quốc gia và quốc tế, và chúng ta nên tập trung nguồn lực đầu tư công để thực hiện lập quy hoạch quốc gia.
Còn với những khu vực không nằm trong quy hoạch, chúng ta có thể xây dựng bộ tiêu chí để áp dụng cho những khu vực xuất hiện tiềm năng và có nhu cầu làm sân bay.
Nhìn chung, việc lập quy hoạch quốc gia nên hướng đến các sân bay mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Còn các địa phương khác chúng ta xây dựng tiêu chí, phân cấp yếu tố này xuống cấp độ địa phương. Từ đó, các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu đầu tư bằng ngân sách, thì phải bảo đảm được yếu tố hiệu quả của dự án.
Từ đó, các địa phương sẽ tự cân đối, xác định được nên làm sân bay hay làm đường bộ. Còn trường hợp dự án dùng nguồn vốn xã hội hoá, nếu khu vực đó đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của một cảng hàng không và nhà đầu tư cảm thấy có hiệu quả thì cứ việc đầu tư như dự án thông thường.
Điều này sẽ giúp việc xây dựng sân bay trở nên linh hoạt, nghĩa là theo thời gian số lượng sân bay có thể tăng lên, cũng có thể giảm xuống chứ không cố định theo quy hoạch là giai đoạn này có 80, sau này 90, sau này nữa tăng lên 100...
Khi đã có sự phân cấp như thế, sự sống còn của một dự án sân bay được quyết định bằng nguồn vốn đầu tư. Nếu đầu tư công thì phải theo quy hoạch quốc gia và bảo đảm tính hiệu quả cao. Còn nếu dùng vốn xã hội hoá thì nhà đầu tư sẽ chấp nhận dự án tư là có thể tồn tại hoặc không tồn tại.