Theo tờ trình, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ được thực hiện từ 2022 đến năm 2027, nhằm 'chia lửa' cho quốc lộ 22 vốn đang quá tải và thường xuyên ùn tắc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc thành lập hội đồng thẩm định liên ngành để tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án được thực hiện trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. TP.HCM được Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án. Theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, dự án có chiều dài hơn 50km; điểm đầu giao tỉnh lộ 15 với vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi, điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Ở giai đoạn 1, dự án thực hiện theo phương thức PPP - hợp đồng BOT với tổng vốn khoảng 16.729 tỉ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 7.433 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn dự kiến là 18 năm 1 tháng, thời gian cụ thể sẽ xác định trong tiến trình đàm phán.
Về tiến độ thực hiện, dự án dự kiến sẽ được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý 3-2022, hai địa phương sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng vào năm 2023. Công trình sẽ khởi công vào quý 3-2024 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.
Hiện nay, quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) là tuyến đường độc đạo nối TP.HCM với cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Những năm gần đây, luồng hàng hóa giữa khu vực TP.HCM và Tây Ninh đang tăng nhanh, gây nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi hoàn thành sẽ kết hợp với đường vành đai 3, 4, TP.HCM, tương lai được nối với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát sẽ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Con đường sẽ làm tăng năng lực khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM và Campuchia.
Tuyến cao tốc còn kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.