Năm 2024, tỉnh Tây Ninh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, các ngành quyết tâm khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch đã đề ra.

Chuyển đổi số gắn với công tác CCHC trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistics

Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở mức tối đa trong giải quyết thủ tục hành chính; nhất là hoàn thiện và đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến.

Qua triển khai hệ thống IOC của tỉnh đáp ứng các yêu cầu theo mô hình khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, được tích hợp thông tin các dịch vụ đô thị thông minh chủ yếu bao gồm các dịch vụ như: phản ánh hiện trường, giám sát giao thông, giám sát an ninh trật tự, quan trắc chất lượng môi trường, giám sát thông tin trên môi trường mạng, các dịch vụ y tế, giáo dục... Việc triển khai Trung tâm IOC bước đầu giúp lãnh đạo tỉnh có được cái nhìn tổng quan về các số liệu liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương cũng như của các ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra, tỉnh triển khai tốt công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người khai hải quan, người nộp thuế để giải đáp kịp thời các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp theo kế hoạch đối tác Hải quan – doanh nghiệp và các bên liên quan.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS tại đơn vị được duy trì vận hành ổn định, các trang thiết bị phục vụ cho quản lý, vận hành hệ thống được trang bị đầy đủ, bảo đảm an toàn 24/7.

Thực hiện truy cập hệ thống Ecustoms để tra cứu, khai thác các thông tin liên quan đến các thủ tục hành chính được cấp qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản giấy của các chứng từ được cấp thông qua cơ chế một cửa quốc gia khi làm thủ tục hải quan.

Ngoài ra, tỉnh thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN như: tiếp tục triển khai sử dụng các chứng từ điện tử được cấp thông qua cơ chế một cửa ASEAN, hệ thống dịch vụ công trực tuyến HQ36a. Kết quả trong những tháng đầu năm 2024, đã tiếp nhận và xử lý trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến HQ36a là 2.334 hồ sơ; đạt tỷ lệ 100% hồ sơ được xử lý đúng thời gian quy định.

Tạo thuận lợi hoá phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics

Với vị trí địa chính trị quan trọng trong vùng Đông Nam bộ, Tây Ninh có Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là đầu mối giao thương quan trọng giữa Việt Nam với Campuchia và khu vực ASEAN; là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics; trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới đất liền vùng Đông Nam bộ; phát triển khu kinh tế theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, đô thị xanh sạch, thông minh, bền vững, có bản sắc dân tộc trong hội nhập, kết nối quốc tế, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh.

Theo đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ mang lại giá trị cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hoá xuất nhập khẩu và thương mại trong tỉnh, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

Hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Tây Ninh với các tỉnh, thành trong vùng. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối Vùng, các dự án có tính lan toả, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, phát triển trục hành lang đô thị, công nghiệp dọc tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, dự án nâng cấp mở rộng đường Đất Sét – Bến Củi, tuyến đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B – 789, dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát - giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh, dự án trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh với quy mô 259 ha…

Nhằm tạo thuận lợi hoá phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; kịp thời rà soát các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành cần ban hành, điều chỉnh, bãi bỏ sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Tạo sự chuyển biến tích cực trong tất cả các lĩnh vực như: giao thông, cơ sở hạ tầng, thuỷ lợi, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tỉnh Tây Ninh thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đúng với quy định của Chính phủ. Đồng thời, cam kết bảo đảm những lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; luôn dành cho nhà đầu tư những ưu đãi cao nhất và chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện những nghĩa vụ thấp nhất trong khung quy định chung của Nhà nước. Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục để giảm chi phí và thời gian gia nhập thị trường.